Ba mô hình đào tạo cán bộ thư viện - thông tin
Mô hình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu
Mô hình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu
Nhu cầu trong việc xây dựng và phát triển thư viện rất đa dạng. Tuy nhiên với mô hình đào tạo của khối các trường đại học và cao đẳng văn hóa hiện nay có thể đáp ứng được với điều kiện mạnh dạn loại bỏ những môn học nặng nề lý thuyết và không còn cần thiết cho nhu cầu phát triển; đồng thời hình thành những môn học chuyên về thực hành và nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ.
Mô hình đào tạo nhằm thay đổi nhu cầu để đáp ứng kịp thời từng giai đoạn phát triển
Mô hình đào tạo nhằm thay đổi nhu cầu để đáp ứng kịp thời từng giai đoạn phát triển
Đây chính là mô hình đào tạo cán bộ thư viện - thông tin dựa vào CNTT. CNTT thay đổi nhanh chóng và được ứng dụng triệt để vào hoạt động thư viện - thông tin. Nhu cầu của người sử dụng cần được thay đổi để hướng đến việc sử dụng công nghệ nhiều hơn vì giá trị thư viện đã thay đổi từ chỗ sở hữu tài nguyên thông tin đến chỗ sử dụng công nghệ mới để truy hồi thông tin. Chương trình đào tạo này bao gồm 60% chuyên ngành CNTT và 40% chuyên ngành thư viện - thông tin và những ngành liên quan, chẳng hạn như Sở hữu trí tuệ và luật bản quyền, Quản lý dự án CNTT-Thư viện, vv…
Mô hình đào tạo này được đặt vào các trường CNTT để đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học, và sau đại học. Học viên tốt nghiệp được cấp văn bằng chính quy Công nghệ thông tin chuyên ngành Thư viện điện tử với mã ngành CNTT. Học viên được trang bị nghiệp vụ và kiến thức cập nhật trong ngành thư viện - thông tin đồng thời kỹ năng CNTT trong việc ứng dụng tin học để phát triển thư viện hiện đại. Với mã ngành CNTT, học viên có thể tiếp tục học các chương trình sau đại học và nghiên cứu sinh của CNTT, với một hướng nghiên cứu mở rộng gần như vô tận để phục vụ cho ngành thư viện - thông tin.
Mô hình thay đổi nhu cầu mang tính chiến lược
Mô hình thay đổi nhu cầu mang tính chiến lược
Xét về mặt chiến lược và hội nhập, chúng ta nên nhận thức rằng: Chuyên môn cốt lõi của nghề thư viện là phần giao nhau của ba mặt: thông tin, công nghệ thông tin và người sử dụng. Người sử dụng thì đa dạng, do đó đội ngũ cán bộ thư viện - thông tin cần phải có kiến thức đại học của tất cả mọi lĩnh vực; với kiến thức đa dạng đó, đội ngũ này cần được đào tạo nghiệp vụ quản lý thông tin trong môi trường công nghệ thông tin. Đội ngũ này sau khi tốt nghiệp sẽ là những nhà tư vấn về thông tin cho tất cả mọi người trong tất cả mọi lĩnh vực. Do đó mô hình đào tạo cán bộ thư viện - thông tin của tất cả các nước tiên tiến trên thế giới là mô hình chỉ đào tạo sau đại học; đầu vào là sinh viên tốt nghiệp đại học bất cứ ngành nào. Đây là mô hình chiến lược và hội nhập mà ngành thư viện - thông tin chúng ta cần phải xây dựng trong môi trường CNTT.
Hàng năm sẽ có một số lượng không ít thạc sĩ được đào tạo chính quy với trình độ CNTT cao sẽ phục vụ trong tất cả các cơ sở thông tin - thư viện của cả nước. Chừng đó sẽ đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa ngành thư viện - thông tin. Với hướng CNTT, vấn đề nghiên cứu sinh cũng trở nên thuận lợi cho tất cả cán bộ thư viện có trình độ ngày nay và cho thế hệ sinh viên tài năng ngày mai. Trong một khoảng thời gian ngắn ngành thư viện - thông tin Việt Nam sẽ có được một đội ngũ hùng hậu hoàn toàn sánh vai cùng năm châu bốn bể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét