"Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du là kiệt tác văn học, được ví như một thành trì văn hóa lớn. Vì vậy, việc dịch, quảng bá "Truyện Kiều" ra tiếng nước ngoài là một công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi nỗ lực lớn của người dịch. Cho đến nay, "Truyện Kiều" đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng, có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Con số này sẽ không dừng lại bởi luôn có những người tâm huyết, yêu tiếng Việt, yêu "Truyện Kiều".
23 tuổi, anh Jan Komárek sinh viên trường đại học Charles, Praha, Cộng hòa Séc đã dịch được 200 câu Kiều từ nguyên bản Tiếng Việt sang tiếng Séc. Với công trình này, anh mới được cộng hòa Séc trao giải thưởng dịch giả trẻ trước 35 tuổi. |
Anh cho biết, tại Séc, cộng đồng người Việt có khoảng 60.000 người. Dù hai nước có mối quan hệ gần gũi nhưng việc giao lưu văn hóa lại chưa tương xứng. Về lĩnh vực văn học, mới chỉ có một số tác phẩm, được dịch sang tiếng Séc như: thơ Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều, Nhật kí trong tù. Riêng "Truyện Kiều", có 2 bản dịch bằng tiếng Séc, từ năm 1926 và 1958, song hai bản dịch này được dịch gián tiếp từ tiếng Pháp nên chưa thực sự chính xác. Bắt đầu từ khóa luận cử nhân về Truyện Kiều cộng với niềm say mê tiếng Việt, anh Jan Komárek trở thành người đầu tiên dịch Truyện Kiều từ tiếng Việt sang tiếng Séc.
"Theo tôi, giá trị lớn nhất của 'Truyện Kiều' là ngôn ngữ tiếng Việt. Tôi đã đọc Truyện Kiều bằng tiếng Séc với một bản dịch cũ từ tiếng Pháp. Tôi đã thích cốt truyện nhưng lại nghĩ là bản dịch này không tốt lắm, mình có thể thực hiện tốt hơn được bằng cách dùng bản dịch sang tiếng Anh của một tác giả người Úc tức là gấp đôi số âm tiết và áp dụng hình thức vần như trong nguyên văn.
Để tham khảo tôi dùng một vài văn bản chú giải bằng tiếng Việt, bản dịch của Huỳnh Sanh Thông bằng tiếng Anh và từ điển Truyện Kiều của ông Đào Duy Anh" - anh Jan Komárek chia sẻ.
Việc chuyển ngữ "Truyện Kiều" sang nhiều ngôn ngữ khác nhau chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, thậm chí đối với những người Việt Nam đang sống và học tập ở nước ngoài.Một ấn bản Truyện Kiều được dịch sang tiếng Hàn Quốc |
Dịch giả Trương Hồng Quang cho biết, năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng bản "Truyện Kiều" của Trương Vĩnh Kí cho một nhà báo Đức tên là Frand Faber khi ông sang Việt Nam tác nghiệp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Vì lòng yêu mến nền văn hóa Việt Nam, ông Frand Faber đã cùng một người bạn dịch Truyện Kiều sang tiếng Đức, in thành sách năm 1964, tái bản năm 1980.
Tuy vậy, đến nay tác phẩm duy nhất được coi là cầu nối văn hóa Đức-Việt trong những năm cuối thế kỉ 20 ấy đã bị thất lạc. Không chỉ là người lên kế hoạch khôi phục bản dịch của tác giả Frand Faber, dịch giả Trương Hồng Quang còn cùng với nhóm dịch giả tổ chức những buổi đọc, thảo luận về Truyện Kiều như một cách để lan tỏa cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ "Truyện Kiều" đối với nhiều người.
"Việc tạo ra một tác phẩm dịch mới có thể là công việc của thế hệ sau này. Còn chúng tôi trước mắt đặt vấn đề in lại bản dịch này. Nhưng chúng tôi sẽ không in thuần túy với bản tiếng Đức mà chúng tôi sẽ in song ngữ. Ở Đức hiện nay có cộng đồng người Việt khoảng 120.000 người, có cả thế hệ thứ hai. Những người đó rất có nhu cầu đọc 'Truyện Kiều' và cũng là người biết song ngữ. Tôi nghĩ cách họ vừa tìm hiểu lại bản ngã văn hóa của mình trong cách đối thoại, đối chiếu với nền văn hóa- ngôn ngữ Đức thì đó sẽ là một trải nghiệm rất thú vị" - dịch giả Trương Hồng Quang cho biết.
Còn dịch giả Nguyễn Huy Hoàng, hơn một năm nay lại đang huy động sự hỗ trợ của người Việt để dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga. Ông cho biết, các Viện phương Đông, khoa Ngữ văn của các trường đại học, Viện Việt Nam học đều trông chờ một bản dịch "Truyện Kiều" đầy đủ để hiểu hơn văn học Việt Nam.
Theo dịch giả Nguyễn Huy Hoàng: "Nhóm dịch giả chúng tôi bao gồm cả người Nga và người Việt. Chúng tôi không bao giờ khẳng định đây là một công trình cá nhân mà là công trình tập thể của hai nước. Dịch 'Truyện Kiều', chúng tôi muốn chuyển tải đến một cường quốc văn hóa là Nga để họ hiểu về văn hóa dân tộc chúng ta. Nếu không làm được điều này thì chúng tôi cảm thấy mắc nợ, nhất là tôi- một người con xứ Nghệ".
Truyện Kiều được Nguyễn Du viết theo thể thơ lục bát. Về cơ bản, nhóm dịch giả đã trung thành với nội dung tác phẩm. Tuy vậy khó khăn nhất của dịch giả Nguyễn Huy Hoàng và các đồng nghiệp là phải thay đổi hình thức thể hiện, để phù hơp với văn học Nga, công chúng Nga.
"Người dịch giỏi cần 3 yếu tố: ngoại ngữ phải giỏi, tiếng Việt phải giỏi, thứ ba là chuyên môn giỏi. Nhưng giả sử người dịch giỏi có 3 yếu tố đó dịch 'Truyện Kiều' thì vẫn chưa thể được bởi 'Truyện Kiều' là thành lũy văn hóa to lớn quá.
Để khắc phục điều đó thì chúng tôi cố gắng vượt qua rào cản ngôn ngữ. Thứ hai là cố gắng làm sao giản dị hóa để đưa người ta tiếp cận toàn bộ nội dung Truyện Kiều. Vấn đề thứ ba làm sao để người ta hiểu nghệ thuật Truyện Kiều. Chúng tôi hi vọng rằng sau phần dịch mã, người Nga sẽ chuyển thơ thì người đọc sẽ dễ chấp nhận hơn" - dịch giả Nguyễn Huy Hoàng nhận định.
Với các tác phẩm thông thường, việc dịch thuật chỉ phải vượt qua rào cản ngôn ngữ là chủ yếu. Nhưng dịch Truyện Kiều, dịch giả phải vượt qua thành lũy của những kiến thức tổng hợp về ngôn ngữ, thành ngữ, tiếng địa phương, điển cố và điển tích. Vì vậy, để quảng bá văn học Việt Nam nói chung, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du nói riêng ra thế giới cần nhiều hơn nữa những tấm lòng tâm huyết và hơn hết là một chiến lược lâu dài, bài bản của các cơ quan chức năng trong nỗ lực đưa văn học Việt Nam đến với bạn bè thế giới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét