Đánh giá sách giáo khoa hiện nay không quá tải, song GS Đinh Quang Báo (Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới sách giáo khoa) cho rằng cần thay đổi theo hướng có nhiều bộ sách, giáo viên dạy theo bộ nào là quyền của họ.
- Hội thảo ba ngày giữa các chuyên gia giáo dục Việt Nam và nước ngoài về Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 đã mổ xẻ những vấn đề gì, thưa ông?
- Tại hội thảo, các chuyên gia nước ngoài trình bày kinh nghiệm, những vấn đề về lý luận, xu hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện nay của thế giới. Các nhóm như Toán, Khoa học xã hội, Mỹ thuật… phải tự xác định lấy mục tiêu của mình, từ đó xây dựng chương trình. Sách giáo khoa chỉ là yếu tố tĩnh, là kịch bản, muốn biến nó thành hiện thực phải được diễn.
Hội thảo tập trung vào yếu tố giáo viên, việc giảng dạy của giáo viên quyết định tới mức nào. Chúng tôi nhận được những quan điểm rất hay, như sách giáo khoa chỉ là kịch bản mà nhân vật đầu tiên là giáo viên. Sau đó, phải xác định vai trò, vị trí của giáo viên, đánh giá sách giáo khoa, chương trình tác động đến việc đạt được mục tiêu như thế nào? Tôi cho đó là ý tưởng hay.
Tôi chỉ đưa ra một hình ảnh, đánh giá giáo viên của ta xưa nay là nhìn vào giáo viên thao tác, người dự giờ ngồi bên dưới lớp nhìn giáo viên thao tác trên bảng. Nhưng các nước đánh giá giáo viên phải nhìn vào sản phẩm mà họ tác động vào, phải nhìn học sinh mới quay lại đánh giá giáo viên.
Tôi cho là chúng ta cần học tập cách làm này. Đánh giá như vậy mới phân tích được nghề nghiệp, giáo viên nhìn vào học trò mới biết mình khiếm khuyết chỗ nào. Thế nên theo tôi người dự giờ phải ngồi trên để nhìn xuống đánh giá học trò.
- Tôi nghe nhiều phản ánh sách giáo khoa hiện nay hơi nặng, có người thì dùng khái niệm quá tải. Tuy nhiên, phải định nghĩa thế nào là quá tải? Đó là nặng về những điều không thật sự cần thiết, những kiến thức cần thiết lại thiếu. Nhưng để phát triển năng lực học sinh thì tôi cho là sách giáo khoa của chúng ta so với các nước không phải quá tải.- Sách giáo khoa hiện nay bị cho là quá tải, ôm đồm nội dung không cần thiết, ông nghĩ sao?
Về nội dung khoa học thì sách giáo khoa có thể có sai sót nhỏ, ở chỗ này chỗ kia nhưng không trầm trọng tới mức phải có một cuộc đổi mới lớn như thế này. Điều quan trọng là sách giáo khoa sẽ phải thay đổi, phải đổi mới cho phù hợp với quan điểm chỉ đạo của chương trình. Sách giáo khoa chỉ là cái thể hiện, là một yếu tố để thực hiện chương trình chứ không phải là tất cả.
- Vậy phương án đổi mới sách giáo khoa sau năm 2015 sẽ như thế nào, thưa ông?
- Đổi mới chương trình sách giáo khoa sẽ theo hướng tích hợp, rất căn bản, từ việc xác định thành phần, cơ cấu nội dung, cấu trúc. Phải đưa ra cái chuẩn tạo nên nhân cách của người học, từ đó người viết sách, người dạy… tập trung hướng vào phẩm chất đó để giáo dục, đánh giá. Dạy học tích hợp là nguyên lý không bàn cãi bởi tri thức của chúng ta tất cả là tích hợp, không có ai chỉ tư duy bằng môn này hay môn kia, hay giải một bài toán thực tiễn cần sử dụng nhiều tri thức.
Tác giả viết sách giáo khoa sắp tới phải được tập huấn để nắm chương trình, nguyên tắc sư phạm. Bản chất của dạy học tích hợp để giáo viên phải là hai trong một, vừa là nhà chuyên môn về lĩnh vực khoa học ấy, đồng thời là nhà sư phạm. Được như vậy, tôi tin rằng sách giáo khoa sẽ thể hiện vai trò của nó trong quá trình dạy và học.
Một số nước sách giáo khoa do nhà xuất bản tổ chức, chọn tác giả dựa vào yêu cầu của chương trình. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta chưa quen cách để cho tác giả sáng tạo nên Bộ GD&ĐT phải chủ trì tổ chức một bộ sách giáo khoa, động viên các nhà xuất bản cùng các tác giả khác dựa vào chương trình, pháp lệnh biên soạn sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT sẽ có một Hội đồng thẩm định. Tuy nhiên, về lâu dài thì vai trò thẩm định lớn nhất vẫn là thực tiễn, là học sinh và giáo viên. Với một chương trình chuẩn sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa, giáo viên dạy theo bộ sách nào, phương pháp nào là quyền sáng tạo của họ. Như vậy sẽ có độ mở cho sự sáng tạo của giáo viên.
- Nhiều trí thức thủ đô nêu quan điểm Bộ GD&ĐT nên để cho các tổ chức chuyên ngành viết sách giáo khoa, như sách Sinh học giao cho Hội sinh học, sách Văn giao cho Hội nhà văn vừa tận dụng được các nhà chuyên môn đầu ngành vừa giảm kinh phí, ý kiến của ông như thế nào?
- Theo tôi, tổ chức viết sách giáo khoa là quyền của Bộ GD&ĐT. Người quản lý cao nhất của ngành phải chọn được tác giả có kinh nghiệm nhất, có trình độ nhất, đảm bảo vừa là nhà giáo dục đồng thời là nhà chuyên môn về lĩnh vực ấy. Chúng tôi đã có những tác giả như vậy và phát huy tác dụng lâu nay.
Có giao cho hội này, hội kia viết sách giáo khoa hay không thì cứ theo cơ chế, ai đăng ký thì viết. Tôi cho rằng, các tổ chức chuyên ngành nêu trên thể hiện thái độ rất trách nhiệm đóng góp cho ngành giáo dục, nên mở rộng sự sáng tạo của những người biện soạn sách giáo khoa.
- Ông suy nghĩ thế nào khi một số chuyên gia đề xuất rút ngắn thời gian học phổ thông còn 11 năm?
- Quan điểm của tôi vẫn giữ 12 năm. Theo thống kê khoảng 200 nước trên thế giớicó gần 170 nước đào tạo phổ thông từ 12 năm trở lên. Tôi nghĩ, giáo dục quan trọng bậc nhất là yếu tố tâm lý phát triển của người học. Nếu chỉ dạy kiến thức văn hóa thì có thể rút ngắn, nhưng học trò đâu phải chỉ có kiến thức, kiến chức chỉ là một yếu tố của nhân cách mà thôi.
Dự kiến sau năm 2015, hệ thống chương trình giáo dục phổ thông sẽ giảm số môn học bắt buộc, tăng môn tự chọn. Cụ thể, cấp tiểu học hiện hành có 11 môn học và 3 hoạt động giáo dục, sau năm 2015 có 5 môn học và 4 hoạt động giáo dục. Cấp THCS hiện hành có 13 môn học và 4 hoạt động giáo dục, sau năm 2015 con số tương ứng là 10 và 3.
Ở cấp THPT, lớp 10 hiện có 13 môn học và 5 hoạt động giáo dục, sau năm 2015 có 11 môn học với 2 hoặc 3 chủ đề tự chọn và 3 hoạt động giáo dục; lớp 11 và lớp 12 hiện hành có 13 môn học với 5 hoạt động giáo dục, sau năm 2015 còn 4 môn học (Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ) và 3 môn tự chọn, 3 hoạt động giáo dục.
Hội thảo Đề án đổi mới sách giáo khoa sau năm 2015 tổ chức ba ngày từ 10 đến 12/12 với sự tham gia của chuyên gia, nhà quản lý cao cấp Việt Nam và Đan Mạch. Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc làm sách giáo khoa phổ thông sắp tới sẽ theo hướng có chương trình chung với nhiều bộ sách, hiện nay mới có sách tiếng Anh là theo kiểu mẫu này. Bộ sẽ kiểm tra, đánh giá phê duyệt các bộ sách trước khi đưa vào sử dụng. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét